29 tháng 11, 2011

XUỐNG CHỢ, BÁN LƠN., ĂN PHỞ, RỒI ...VỀ


Triệu Mùi Sùng – một thiếu phụ người Mông, kể với tôi cái lý do đi chợ của mình: bán con lợn cắp nách, ăn bát phở rồi về. Chị nhoẻn cười và nói: “Vui lắm! Cứ đến ngày chợ là vui, ăn phở ngon lắm!”. Với chị, tất cả chỉ có thế, đơn giản thế. Điều này có gì đơn điệu, nhàm chán với một con người không nhỉ? Ừ, nghe có vẻ nhàm chán, xuống chợ chỉ thế thôi ư? Niềm vui cũng chỉ thế thôi ư? Nếu vậy, ai mà chẳng có được niềm vui giản đơn ấy.



Bây giờ, bộ óc của tôi vẫn cho đấy là sự đơn điệu, cái thiệt thòi, hoặc giả một cái gì đó rất nhàm chán, không đáng lưu tâm. Chỉ khi quan sát kỹ cách ăn phở rất ngon lành của chị, tôi bỗng thấy mình là kẻ bất hạnh và vĩnh viễn không bao giờ có được một niềm vui ấy nữa.

Bát phở ấy, người ta bán ở cái chợ mang tên khá lạ: Tam Đường Đất (Lai Châu), có giá 5000đ. Một bát phở cũng đơn giản như chính cách nghĩ của người đang thưởng
thức nó. Có người cho rằng, Mùi Sùng đang đói, hoặc chưa bao giờ được ăn một bát phở Hà Nội với giá 25 – 30 ngàn đồng, nên nghĩ phở ở cái chợ này rất ngon. Đó chỉ là một cách suy luận, tôi lại không nghĩ thế. Chị Mùi Sùng đang ăn phở không phải tìm kiếm vị giác trên đầu lưỡi như chúng ta, chị ăn phở với một tinh thần hoàn toàn khác, và điều quan trọng chị tìm thấy niềm vui – một niềm vui thật sự ở bát phở đơn giản có giá 5000đ này.

Tôi đã vượt hơn 500 km, đến cái chợ mang tên Tam Đường Đất với hy vọng tìm được niềm vui. Tôi đã reo lên khi thấy từng tốp người Mông, Dao, Sán Chỉ… váy áo rực rỡ trong chợ. Tôi đã mải mê chụp hình – chụp như sợ những con người cùng bộ trang phục rực rỡ của họ biến mất. Và tôi nghĩ ấy là niềm vui – niềm vui của kẻ mù lòa – cứ mải mê đi tìm một cái gì đó gọi là vui. Nhưng khi trò chuyện với Mùi Sùng, thấy cách ăn phở và niềm hân hoan trên khuôn mặt già trước tuổi kia, tôi bỗng thấy công việc của mình thật vô ích, đôi khi đến giả dối. Tôi đi tìm cái gì ở chợ phiên Tam Đường Đất này nhỉ? Một bài báo, vài tấm hình, hay chỉ là sự tò mò của một kẻ đã kiệt quệ về tinh thần? Khó nói lắm!

Đã rất nhiều năm, tôi tự nghĩ cuộc sống ở núi rừng đồng nghĩa với đơn điệu, tối tăm, nhàm chán... Ngay cả bây giờ, bộ óc bướng bỉnh của tôi vẫn khẳng định như thế. Từ ngày lên mười tuổi, tôi bắt đầu thấy những ngày chợ phiên ở đất Cao Bằng - quê tôi thật đơn điệu. Đi chợ chỉ để ăn một cái bánh, bát phở, que kem thôi sao? Ở cái tuổi bắt đầu lớn ấy, tôi thấy điều này thật nực cười. Có một cái gì đó phải hơn thế nữa, nó nhảy nhót và ám ảnh bộ não vớ vẩn của tôi. Nói đúng hơn, từ cái ngày đó, tôi bắt đầu trở thành kẻ mù lòa, dù mang đôi mắt sáng rõ.

Đã có lúc tôi nghĩ mình thật may mắn, đôi khi đến kiêu ngạo vì thoát khỏi cái gọi là đơn điệu nhàm chán ấy. Mỗi lần về quê tôi vẫn mua những bao thuốc thơm, thật nhiều bánh kẹo ở phố phường làm quà cho họ hàng. Và tôi đã kể về cuộc sống của mình, thu nhập của mình, ngôi nhà của mình… ở thành phố. Tôi đã “bốc” đến nỗi người bản tôi chỉ còn biết há miệng để nghe. Người lớn thì xuýt xoa vì thuốc lá đầu lọc ở phố thơm quá, trẻ con lại hào hứng với bánh kẹo lạ mắt, còn những kẻ hiếu kỳ cứ hỏi tôi đủ thứ chuyện về thành phố. Tôi đã cao hứng kể về cuộc sống sôi động của mình. Tôi kể rằng có cái máy gọi là vi tính - nó hiện đại đến nỗi chẳng phải đi đâu mà vẫn biết tất cả mọi chuyện trên thế giới. Có cái ô tô, chỉ cần dùng ngón út cũng điều khiển được. Lại có những món ăn đắt bằng cả con ngựa dưới gầm sàn. Rồi tôi đã từng dự những bữa tiệc mà người ta bày cả một núi thức ăn, ai thích gì cứ thế đến lấy, tiệc ấy được gọi là “ăn tự chọn” kiểu Tây. Ông chú họ tôi ngây thơ hỏi: “Ăn thế có phải trả tiền không?”. Tôi kiêu ngạo nói rằng, không, vì tôi là một nhà báo – nhà báo luôn được mời đi dự tiệc. Một số người xuýt xoa thán phục: nhà báo sướng thật. Cứ thế tôi kể, hào hứng kể, say sưa kể như một kẻ may mắn nhất cái bản Pác Thay vốn đơn giản, dễ tin từ ngàn đời.

Thế rồi tôi trở thành “cái lý do” để nhiều người già trong bản dạy con cái. Đấy, cứ nhìn cái thằng kia xem, nó sống ở thành phố, cái gì cũng biết, hút một điếu thuốc của nó thơm miệng cả ngày, liệu mà học hành để được như nó… Nhiều cậu trai bản tò mò hỏi tôi, đàn bà ở thành phố có dễ tán tỉnh như trên mình không? Tôi lại cao hứng “bốc” rằng: ừ thì khó cũng khó, dễ cũng dễ… nhưng chỉ cần đi qua cạnh, cái mũi của mày sẽ thơm cả tháng. Tôi nói thế, phét lác thế, kiêu ngạo thế rất nhiều năm và say sưa trong cái men giả tạo của chính mình.

Nhưng mỗi lần, khi chuẩn bị rời cái bản Pác Thay, trở về với cuộc sống thực, tôi bắt đầu sợ hãi và hối hận vì những lời lẽ bốc phét “óc ách” sự sĩ diện của mình. Đôi lúc tôi muốn nói ra sự thật rằng, thành phố nhọc nhằn lắm, nơi ấy không thuộc về những con người ở bản Pác Thay, những lời lẽ của tôi là giả dối, sĩ diện, ngạo mạn, đôi khi như một sự sỉ nhục! Nhưng tôi cũng biết, người bản tôi sẽ không bao giờ tin. Họ đang muốn được như tôi, thích cách sống của tôi, hàng ngày vẫn khát khao vượt ra khỏi sự đơn điệu của bản làng. Cũng đã rất nhiều người ra đi, tôi không biết họ đi đâu, nhưng tôi hiểu họ bắt đầu chui vào một nơi bất ổn. Rời bỏ bản làng với họ và tôi là một sự mạo hiểm, chẳng khác nào chiến binh không còn áo giáp. Tôi là một ví dụ không thể chối cãi! Tôi đã run rẩy đến thảm hại với cuộc sống thành phố bây giờ. Còn cái gì tôi đang huênh hoang chỉ là sĩ diện. Đừng bao giờ nghe những lời lẽ của cái thằng đã rời khỏi bản làng. Ngàn lần xin đừng nghe!

Thế nhưng, cái bộ óc bướng bỉnh, tham lam trong con người tôi không chịu thừa nhận. Nó cứ xui khiến, thúc giục thân xác tôi phải sống ở cái nơi lẽ ra không thuộc về tôi. Nó đã đánh lừa thân xác tôi bằng sự giả dối ngọt ngào. Và đôi lúc, chính tôi thích sự ngọt ngào đó, dù biết rõ đấy là sự lừa mị của mình.

Bây giờ, tôi mới nhận ra mình là kẻ mù lòa đến thảm hại. Tôi đã giả vờ như một ký giả để hỏi thiếu phụ Mùi Sùng những câu đại loại rằng: từ nhà đi chợ có xa không? Xuống chợ mua những gì? Chị có thấy chợ bây giờ khác thế nào với ngày xưa… Những câu hỏi vờ vịt, qua quýt thường thấy của cái thằng tôi giả vờ là người thành phố. Chị Mùi Sùng vui vẻ trả lời tất cả những câu hỏi của tôi rồi dừng lại ở câu nói: tôi đi chợ, bán lợn, mua áo, ăn phở, rồi về… Và chị mỉm cười – nụ cười đơn giản như chính cái lý do xuống chợ ấy. Phải, chị vui – thấy vui thật – một niềm vui giản dị, lung linh hơn bất cứ niềm vui nào của tôi bây giờ. Tôi đã từng được sở hữu niềm vui sang trọng đó, nhưng tự tôi đã ném bỏ.

Tôi rất muốn ngồi xuống bên chị, gọi một bát phở 5000đ để thưởng thức niềm vui, đẹp lung linh như chị. Nhưng tôi cũng biết, cái đầu lưỡi chan sạn của tôi sẽ không tìm thấy vị ngọt lịm, thơm đậm giản dị kia, không phải thân thể tôi đã dư thừa chất dinh dưỡng, cũng chẳng phải bát phở kia không ngon, đơn giản: cái lưỡi của tôi đã dày cộp sự giả dối. Làm gì còn biết ngon!

Cái mà tôi và nhiều người khác đang theo đuổi, đang tìm kiếm có lẽ cũng chỉ là niềm vui. Một cái niềm vui theo cách nhìn của một gã đầy vẩn đục của dục vọng. Càng đi, càng tìm kiếm, tôi càng không thấy niềm vui. Và tôi lờ mờ nhận ra rằng, nếu tìm thấy niềm vui nào đó, nó cũng sẽ chẳng to tát hơn niềm vui hân hoan bên bát phở của chị Mùi Sùng. Đó là sự thật!

Tôi lang thang lên Tây Bắc, với ý định thoát khỏi sự ồn ào, khói bụi của phố phường. Tôi muốn viết về một phiên chợ của vùng này, tìm hiểu xem chợ miền núi ở đây có gì khác với đất Cao Bằng quê tôi… Tôi đã lầm. Chẳng có gì khác nhau cả. Cũng chẳng có gì khác nhau giữa chợ miền núi và miền xuôi. Tất cả đều phải có: con người. Chỉ khác nhau ở tinh thần mà thôi.

Ở thành phố, thỉnh thoảng tôi theo gia đình đi siêu thị. Mỗi lần đến đó, tôi vẫn thấy nhiều gia đình ngồi ăn uống. Nhiều người và cả tôi nữa, tất cả đều muốn tìm một món ăn lạ nào đó với hy vọng thấy ngon. Tôi thấy tất cả đều rón rén ăn, tỉ mẩn ngắm nghía, hỏi han kỹ lưỡng… nhưng trên khuôn mặt họ không toát lên niềm hứng khởi của sự thưởng thức thực thụ. Hình như họ ăn với một tinh thần dò xét và hoàn toàn mất hết vị giác. Tôi cũng vậy, thật hiếm hoi thấy ngon miệng thực sự, ngoài một chút là lạ trên đầu lưỡi.

Và thỉnh thoảng tôi vẫn theo anh em trong cơ quan đi tiếp khách. Những món ăn được bày ra, toàn những món đắt tiền với nhiều cái tên mùi mẫn. Nhưng tôi thấy, tất cả đang ăn chỉ để nạp năng lượng cho thân xác, ngoài ra chẳng còn mấy ý nghĩa, chưa kể đến những bữa tiệc theo kiểu ngoại giao, ăn lấy lệ, nói lấy lệ, cười vu vơ… Chán vô cùng! Thế rồi những lúc đi chợ, nhìn các gian hàng tràn ngập thực phẩm. Tôi đã cố lựa chọn và nấu một bữa thật công phu cho cả nhà, nhưng thú thực, khó thấy ngon miệng, cũng chỉ để nạp năng lượng cho thân xác mà thôi.

Có người sẽ cho rằng, tôi là kẻ lẩn thẩn, gàn dở gì đó. Chẳng sao cả, tôi chỉ kể thật rằng, đã từ rất lâu hiếm khi tìm được cảm giác ngon lành - thật ngon lành như chị Mùi Sùng ăn phở, chưa nói đến việc tìm thấy niềm vui. Tại sao thế nhỉ, có phải chỉ riêng tôi cảm nhận thế? Chỉ tiếc, không phải riêng tôi mà nhiều người đều phàn nàn thế: “…ăn phở bây giờ khó thấy ngon…”. Sự thưởng thức thật sự hình như đã tan biến, chỉ còn lại nỗi lo lắng đại loại như: bánh phở này có phooc-môn không nhỉ, thịt bò kia có vẻ như thịt ngựa, nước dùng gì mà đục thế, rau sống có vẻ như chưa sạch… Hoài nghi – tất cả đều hoài nghi đến sợ hãi! Nếu vậy làm gì thấy ngon.

Cũng chỉ tại chúng ta, những con người luôn nghi hoặc, luôn nghĩ rằng, phải có thật nhiều vật chất và bồi bổ cho một tinh thần cao siêu nào đó mới tìm thấy niềm vui. Điều này thật sai lầm, niềm vui nào đó ấy ở ngay bên cạnh chúng ta, nhưng chính chúng không bao giờ chịu đón lấy.

Tôi lại nhớ mỗi lần đi siêu thị cùng gia đình, hàng hóa ở đây phong phú, sang trọng và choáng ngợp. Chúng đẹp lung linh như sẵn sàng đem lại niềm vui cho tất cả những ai ghé qua. Nhưng tôi chỉ thấy, hiện lên những đôi mắt lo lắng, thèm thuồng mang đầy tham vọng của mọi người. Rất ít khi những đôi mắt đó ánh lên niềm vui, nếu có cũng chỉ dừng ở sự thích thú khi được sở hữu một món đồ nào đó mà thôi.
Còn ở cái chợ Tam Đường Đất xa xôi kia, chị Mùi Sùng có một niềm vui thật sự. Niềm vui ấy thô sơ, giản dị mà đẹp vô cùng. Hóa ra, chị mới là người biết thưởng thức. Vì chị có một cách nghĩ trong veo: đi chợ, bán lợn, ăn phở rồi… về. Tất cả chỉ có thế.

A Sáng (Vietimes)

Không có nhận xét nào: